Kiến trúc cảnh quan Kiến_trúc_Đà_Lạt

Toàn cảnh hồ Xuân Hương vào lúc sáng sớm.

Thành phố Đà Lạt được xây dựng trên một vùng cao nguyên với cảnh quan tươi đẹp và khí hậu ôn hòa. Trên khung nền thiên nhiên, các công trình của con người in dấu tạo nên một khung cảnh đô thị đặc sắc và độc đáo. Địa hình nhấp nhô mềm mại của cao nguyên, không gian mặt nước của các suối hồ, không gian kiến trúc và di sản kiến trúc Pháp cùng màu xanh của các rừng thông, thảm cỏ là những yếu tố chính tạo nên cảnh quan đặc thù của thành phố.[32] Địa hình Đà Lạt chia cắt không gian một cách mạnh mẽ thành những mảng riêng biệt, rõ nét và tạo nên những lớp cảnh quan đa dạng. Khi kiến thiết thành phố, các kiến trúc sư đã tôn trọng nguyên tắc bảo vệ địa hình tự nhiên, không san lấp để tạo những không gian bằng phẳng mà dựa vào địa hình để xây dựng lên các công trình kiến trúc.[33] Những ngọn đồi cao, tầm nhìn đẹp được lựa chọn để xây dựng các dinh thự, công trình tôn giáo mang dáng vẻ uy nghiêm, trang trọng. Với khuôn viện rộng lớn bao trọn cả ngọn đồi, các công trình kiến trúc này là những quần thể kiến trúc quy mô nằm nép mình vào thiên nhiên, ẩn hiện trong màu xanh của rừng thông, tạo nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh.[32] Các trung tâm hành chính, văn hóa và thương mại như khu Hòa Bình, đường Trần Phú, đường Phan Đình Phùng... được bố trí trên những ngọn đồi hoặc các không gian rộng rãi, bằng phẳng, vì thế dễ dàng xây dựng hệ thống giao thông với những đại lộ thẳng và ít dốc. Do không phải cải tạo địa hình, các trung tâm này tuy chiếm những không gian rộng lớn nhưng không làm thay đổi các đường cong tự nhiên của địa thế.[34] Tương tự, các ngôi biệt thự kiến trúc Pháp được sắp xếp theo sát những đường đồng mức để bám lấy địa hình, xuất hiện với mật độ rất thấp và có khuôn viên rộng rãi, hòa nhập vào thiên nhiên.[34] Những khu vực đất thấp dưới các thung lũng lớn, ở khuất và xa trung tâm thành phố được bố trí cho khu vực dân cư sản xuất nông nghiệp. Vào năm 1943, kiến trúc sư Jacques Lagisquet đã sắp xếp những khu ngoại ô này, khi đó được kiểm soát chặt chẽ với một ranh giới nhất định, để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các di dân. Nhưng hiện nay, sự phát triển mất kiểm soát của các vùng canh tác nông nghiệp đã trở thành hiểm họa đối với cảnh quan và môi sinh của thành phố.[35]

Trong những thung lũng xen giữa các ngọn đồi của Đà Lạt, rất nhiều những dòng suối nhỏ chảy qua và quan trọng nhất trong số đó là suối Cam Ly. Từ những bản quy hoạch đầu tiên cho tới ngày nay, việc sắp xếp bố cục thành phố được thực hiện phần lớn dọc theo hai bờ của con suối này. Vào năm 1919, hồ Xuân Hương hình thành nhờ một đập nước được xây dựng trên dòng suối Cam Ly và đến năm 1935, hồ hoàn chỉnh như ngày nay sau khi xây xong đập Cầu Ông Đạo.[36] Kiến trúc sư Ernest Hébrard đã tạo tiền đề quan trọng cho cảnh quan thành phố khi đề xuất xây dựng một chuỗi hồ nhân tạo trong đồ án quy hoạch năm 1923.[37] Từ thời kỳ đó cho tới ngày nay, việc tạo lập các hồ nước vẫn được tiến hành đều đặn và gắn liền với lịch sử phát triển của thành phố. Các công trình hồ nhân tạo không chỉ đem lại nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn tô điểm cho cảnh hoang sơ và là những trung tâm bố cục để sắp xếp các phân khu chức năng.[35] Tuy vậy, việc mở rộng diện tích nông nghiệp lan tràn vào khu vực các dòng suối lớn đã dẫn đến sự bồi lắng nhanh chóng của các hồ nước, nguyên nhân khiến hai hồ Vạn Kiếp và Mê Linh ngày nay đã hoàn toàn mất dạng.[35] Nhìn toàn cảnh, Đà Lạt hiện nay vẫn là một công viên khổng lồ với rừng thông bạt ngàn bao phủ.[37] Nhưng trong trung tâm thành phố, nhiều không gian xanh dần biến mất, nhường chỗ các công trình xây dựng. Những con phố thương mại như đường Phan Đình Phùng, đường 3 tháng 2, đường Nguyễn Văn Trỗi, khu Hòa Bình... hầu như vắng bóng cây xanh, trong khi đó nhiều khu du lịch lại mất đi nét hoang sơ bởi màu xanh tự nhiên bị thay thế bởi những chậu cây cảnh.[38] Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng về kiến trúc châu Âu với những công trình kiến trúc phong phú và độc đáo. Ngoài trừ hai điểm nhấn chủ yếu Nhà thờ chính tòaTrường Cao đẳng Sư phạm, các công trình kiến trúc của thành phố có độ cao vừa phải, hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên bức tranh đô thị hài hòa và độc đáo.[39]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kiến_trúc_Đà_Lạt http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/lua-bao-trum-... http://web.archive.org/web/20100710152513/http://w... http://web.archive.org/web/20120808033755/http://w... http://web.archive.org/web/20121028033114/http://w... http://web.archive.org/web/20140221171406/http://w... http://web.archive.org/web/20140221190340/http://w... http://baolamdong.vn/xahoi/201012/da-Lat-Hoi-sinh-... http://books.google.com.vn/books?id=B0jxZwEACAAJ http://books.google.com.vn/books?id=bO2tQwAACAAJ http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/11...